Nhạc sĩ Dân Huyền: "Tôi cất công tới nhiều miền quê để được người nông dân truyền dạy dân ca"
Giới yêu thích dân ca và nhạc cổ truyền đặt cho nhạc sĩ Dân Huyền nhiều biệt danh như "người khoác áo mới cho dân ca", "cây cổ thụ dân ca", "hiệp sĩ dân ca"... Vị nhạc sĩ của loạt ca khúc nổi tiếng như Bên Lăng Bác Hồ, Gửi anh một khúc dân ca, Lắng tiếng quê hương... đóng góp cho dân ca về nhiều mặt, trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật là sưu tầm, biên tập và soạn lời mới cho dân ca.
Mới đây, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
Những ngày tháng 9 này, nhiều người lại hát vang bài hát "Bên Lăng Bác Hồ" đầy xúc động của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có thể chia sẻ về sự ra đời của ca khúc này?
- Tháng 10/1974, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cho một đoàn văn nghệ sĩ đến thăm công trường xây dựng Lăng Bác và tôi may mắn là một trong số người được tham dự. Công trường lớn với không khí lao động hết sức khẩn trương, tôi cảm nhận được niềm mong mỏi của những người thợ nơi đây, muốn công trình sớm được hoàn thành để đón Bác vào yên nghỉ.
Từ đó, tôi mường tượng ra cảnh biển người, trong đó có những đoàn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền Nam vượt hàng ngàn cây số để ra thăm Bác; đó chính là cảm hứng để tôi viết nên ca khúc "Bên Lăng Bác Hồ".
Ca khúc Bên Lăng Bác Hồ lần đầu tiên được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 8/1975, qua tiếng hát trầm ấm, tình cảm của Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Hưng. Đến nay, sau gần 50 năm, nhiều ca sĩ đã thể hiện ca khúc này, như Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền, Trọng Tấn, Anh Thơ, Hồng Vy, Lê Anh Dũng..., mang lại cho ca khúc những đời sống mới.
Trong ca khúc này, tôi đã sử dụng dân ca Nam Bộ để nói lên tình cảm của người dân miền Nam với Bác. Miền Nam có vai trò, vị trí và tình cảm đặc biệt với Bác. Hơn nữa, khi tôi sáng tác ca khúc này, hai miền vẫn chưa thống nhất, người dân miền Nam chưa biết ngày nào có thể ra thăm Lăng Bác.
Bên cạnh ca khúc nổi tiếng này, sự nghiệp ông chủ yếu nằm ở mảng dân ca với nhiều bài hát đi vào lòng người như "Gửi anh một khúc dân ca"; "Duyên quan họ"; "Phong thư sông Lam"; "Câu nhớ gửi người thương"; "Em hát anh nghe điệu lý quê nhà"; "Quê hương chín nhớ mười mong"... Điều gì đã khiến ông gắn bó với dân ca tới vậy?
- Tôi là người yêu dân ca và từng nhiều năm làm Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam. Sinh ra ở xứ Nghệ, từ bé trong tôi đã thấm đậm chất dân ca của người miền Trung nắng lửa, kiên cường. Sau này ra Hà Nội, câu dân ca tiếp tục theo tôi đến với những hành trình sáng tạo mới.
Dân ca Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú, tuy nhiên nó cũng đứng trước nguy cơ thất truyền. Vì vậy, tôi cất công đi đến nhiều vùng quê, ở vùng sâu, vùng xa gặp những già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng, những người nông dân… để được họ truyền dạy cho câu dân ca. Dân ca đẹp đẽ, gần gũi, thâm thúy, sâu sắc như con người Việt Nam vậy.
Thế nhưng, cuộc sống mới có những thay đổi, những bài dân ca đôi khi có lời ca lại không còn phù hợp nữa. Vì thế, tôi đã mạnh dạn soạn lời mới cho dân ca để khi hát lên người ta vẫn thấy tinh thần mới trong những giai điệu cũ. Đó cũng là cách để dân ca không bị lãng quên, trái lại sẽ sống mãi trong đời sống như một niềm kiêu hãnh, tự hào của người Việt Nam chúng ta.
Thực tế cho thấy, không chỉ những bài hát soạn lời mới trên chất liệu dân ca mà cả những ca khúc sáng tác trên chất liệu dân ca đều được người nghe đón nhận hồ hởi. Bám rễ vào dân ca, mang lại cho dân ca một đời sống mới, vừa hiện đại, vừa truyền thống - đó là cách các nhạc sĩ nên bám vào.
Ca khúc "Gửi anh một khúc dân ca" của nhạc sĩ Dân Huyền do NSND Thanh Huyền thể hiện. (Clip: YouTube Dân Huyền)
Tên tuổi nhạc sĩ Dân Huyền rất quen thuộc với những thính giả trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, với hàng loạt đóng góp trong việc lưu giữ những nét đẹp văn hoá truyền thống. Ông còn giữ nhiều ký ức về thời gian đó?
- Tôi tên thật là Phạm Ngọc Dần (từ tên Dần, tôi đặt thành bút danh Dân Huyền). Có một câu chuyện vui là khi tôi còn làm Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam, đó là dù khối lượng công việc đồ sộ, tôi vẫn đề xuất mở thêm chuyên mục Đố vui dân ca - chúng ta giải đố phát sóng từ tháng tháng 9/1998 và dừng lại vào năm 2007.
Nhiều người thầm nghĩ chắc ở chuyên mục Đố vui dân ca - chúng ta giải đố phải có từ ba, bốn người trở lên thì mới khai thác từ kho băng âm thanh để tổng hợp lại, sau đó đối chiếu với đáp án đúng sai của thính giả để công bố và khen thưởng. Mỗi đợt thính giả gửi thư đi thì lại nghe thông báo thay đổi tên người nhận.
Đầu tiên thì gửi thư về cho biên tập viên Phạm Ngọc Huyền, sau là biên tập viên Uyên Hồng (đọc ngược là Ông Huyền) và cuối cùng là gửi thư về cho biên tập viên Đào Chung Thủy (tên vợ và hai con). Thật ra, ba cái tên phụ nữ nghe thân thương lại là một, đó cũng chính là người nhạc sĩ Dân Huyền (cười).
Những năm gần đây, mỗi khi nhạc sĩ cao tuổi về với đất mẹ, ông lại có một bài viết rất sâu sắc, với những kỷ niệm, chi tiết độc đáo về họ...
- Họ là những người cùng thời với tôi, đồng hành cùng tôi trên hành trình sáng tạo âm nhạc, dĩ nhiên tôi sẽ có nhiều chi tiết mà nhiều người không thể biết được. Qua những bài viết này, tôi cho độc giả hình dung ra cả một thời bao cấp đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng điều đó không cản được tinh thần, sự lạc quan và lòng yêu nghề của những người nhạc sĩ tài hoa. Họ đắm đuối dâng cho đời những lời ca nốt nhạc đẹp nhất, hay nhất, tuyệt vời nhất mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tôi viết về họ cũng như để làm sáng hơn, đẹp hơn tinh thần, ý chí và sự sáng tạo tuyệt vời của những người nhạc sĩ. Tôi mong độc giả thông cảm, thấu hiểu và thêm yêu quý giới nhạc sĩ.
Ông cũng là người rất nhanh nhạy với công nghệ khi thấy trên trang Facebook ông luôn cập nhật nhiều bài viết thú vị?
- Tôi không chỉ sử dụng vi tính vào việc chơi Facebook mà còn dùng để sáng tác nhạc đó (cười). Đó là điều không dễ với một "cụ ông" đã ở tuổi U90. Với phương châm "Muốn biết thì hỏi, chưa giỏi thì học", tôi đã kiên trì học tin học bởi nó không chỉ giúp ứng dụng cho nghề nghiệp mà còn là niềm vui, làm hạn chế sự lão hóa của bộ óc.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đôi mắt của tôi có phần kém hơn rất nhiều. Tôi bị đục thủy tinh thể, mắt trái coi như mù, mắt phải còn 1/10. Dù đã mổ nhưng đôi mắt hiện vẫn chưa có tiến triển. Với những bài viết dài, tôi thường nhờ các cháu đánh máy hộ.
Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông nhiều sức khỏe!
Nhạc sĩ Dân Huyền tên thật là Phạm Ngọc Dần, sinh năm 1938, tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong những người sáng lập Câu lạc bộ Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam.
Post a Comment