Lễ hội Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tối 11/12, thông tin tới Dân Việt, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: "Theo Quyết định số 3986/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ hội Đền Thánh Nguyễn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia."
Lễ hội Đền Thánh Nguyễn huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo ông Phạm Văn Tam, Lễ hội Đền Thánh Nguyễn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa lớn đối với người dân tỉnh Ninh Bình, đồng thời, còn tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch."
Quyết định công nhận Lễ hội Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ban hành ngày 10/12/2024, căn cứ vào Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp lý liên quan.
Được biết, Lễ hội Đền Thánh Nguyễn là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Ninh Bình, được tổ chức hằng năm, với sự tham gia đông đảo của người dân, du khách thập phương về tri ân, tưởng nhớ công đức của Thiền sư Nguyễn Minh Không.
Thiền sư Nguyễn Minh Không (sinh năm 1065, mất năm 1141) là người làng Đàm Xá, tổng Đại Hữu, phủ Trường Yên (nay thuộc xã Gia Thắng và xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn). Cha của thiền sư là ông Nguyễn Sùng, quê ở làng Điềm Xá, phủ Tràng An. Mẹ là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn nay là làng Phả Lại, xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Vợ chồng ông Nguyễn Sùng tuy nghèo nhưng luôn chăm lo làm việc thiện. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Chí Thành. Cha mẹ mất sớm, Chí Thành làm ngư dân đánh bắt cá, sinh sống trên sông Hoàng Long. Nuôi chí lớn, đi chu du thiên hạ, lớn lên sang Tây Trúc học đạo.
Khi tu hành đắc đạo, Nguyễn Chí Thành trở về quê nhà dựng chùa Viên Quang, sau đó lập nhiều chùa khắp nơi để tu hành, lấy vị hiệu là Không Lộ rồi Minh Không.
Sau khi Thiền sư mất, để tưởng nhớ công ơn, Vua Lý đã hạ lệnh thần dân thiên hạ, gia thần trong ấp, tất cả dân Đàm Xá hành lễ ở nơi Minh Không hóa, rước thần hiệu của ngài về lập thần miếu để thờ phụng... từ trên Sơn Tây đến Ái Châu lấy Đàm Xá làm nơi thờ chính.
Post a Comment