Từ vụ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn: "Cần làm tới cùng việc phong sát nghệ sĩ để nền nghệ thuật phát triển"
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng do đã sử dụng trang phục có gắn các phụ kiện trên ngực áo biểu diễn trước khán giả trong đêm diễn Ngày em thắp sao trời. Theo đó, mức phạt được đưa ra là 27,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động biểu diễn 9 tháng.
Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, trong quyết định xử phạt này có hai yếu tố cần lưu ý, đó là "trang phục không phù hợp" và "tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội". Ông nêu quan điểm: "Các nghệ sĩ là người của công chúng, họ dùng lời ca tiếng hát để làm đẹp cho đời, nhân rộng các giá trị nhân văn. Quyết định xử phạt của UBND TP.HCM đưa ra thông điệp về vai trò của những nghệ sĩ nói chung trong xã hội. Họ phải góp phần định hướng dư luận tới những điều tốt đẹp, thay vì khiến khán giả ngán ngẩm bởi những hành động và phát ngôn lố lăng, gây sốc. Là nghệ sĩ nổi tiếng, gạo cội, Đàm Vĩnh Hưng cần hiểu rất rõ điều này".
Trước việc dư luận một lần nữa đặt dấu hỏi về việc "phong sát nghệ sĩ" thông qua sự việc lần này, ông Nguyễn Ngọc Long khẳng định ông ủng hộ những biện pháp mạnh tay bởi "quá ngán ngẩm với showbiz Việt": "Đã từ rất lâu, việc người nổi tiếng dùng mọi thủ đoạn để được dư luận và truyền thông chú ý đã gần như trở thành công thức. Tất cả những người này vẫn điềm nhiên sống, điềm nhiên làm nghề, và điềm nhiên đạp lên dư luận, truyền thông, báo chí. Thậm chí, họ còn tự cho mình là "ông hoàng, bà chúa" trong giới giải trí".
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cũng đưa ra dẫn chứng về các trường hợp nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật thời gian qua như N.T, H.H, H.T... "Họ lặp đi lặp lại những hành vi tiêu cực, nhưng chỉ cần xin lỗi, im lặng một thời gian và sau đó quay lại showbiz hoạt động như thường lệ. Theo tôi, cần làm tới cùng việc "phong sát/cấm sóng" để các nghệ sĩ cân nhắc lời nói, việc làm của họ.
Quy định về "phong sát" nếu có cũng phải mang tính răn đe, khiến dư luận nhìn vào thấy rõ rằng nghệ sĩ đã bị xử lý, không thể để xảy ra trường hợp "cấm hát thì livestream bán hàng"; "cấm biểu diễn thì chụp ảnh quảng báo"... Chỉ khi làm tới cùng, người nổi tiếng mới nhận thức rõ trách nhiệm của mình, môi trường showbiz qua đó được đặt vào quy chuẩn, trong sạch và giàu không gian sáng tạo. Khán giả trẻ qua đó hiểu rõ những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật như: dùng chất cấm, ngoại tình, làm "tiểu tam" là sai trái, không thể đánh đổi để có cuộc sống giàu sang, hưởng thụ".
Trước một số ý kiến cho rằng, việc "phong sát/cấm sóng" sẽ phần nào làm ảnh hưởng tới không gian sáng tạo của nghệ sĩ, ông Nguyễn Ngọc Long phủ nhận điều này: "Những hành động đáng bị phong sát như trò lố bịch "câu view", ca khúc có ca từ tục tĩu, dung tục, trang phục phản cảm đều phi nghệ thuật. Khi những thứ đó tràn lan, các nghệ sĩ chân chính sẽ thiếu "hào quang" để tỏa sáng. Cũng bởi vậy, việc phong sát ngược lại giúp nghệ thuật phát triển, triệt tiêu những thứ "rác" không đáng xuất hiện trong showbiz".
Tháng 4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: Phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết, các biện pháp xử lý như "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" nhằm mục đích từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ. Do chưa có quy định pháp luật, trước mắt cơ quan chức năng sẽ sử dụng phương thức "khuyến nghị" hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm.
Post a Comment