Tranh cãi về Chùa Cầu sau trùng tu: Cục Di sản văn hóa nói gì?
Cục Di sản văn hóa nói gì sau khi Chùa Cầu trùng tu?
Sau cuộc trùng tu với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng, Chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) trở thành tâm điểm của dư luận. Từ khi được triển khai vào cuối năm 2022, dự án đến nay hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình.
Trước những tranh cãi trái chiều về Chùa Cầu sau trùng tu, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL và Cục Di sản văn hóa đã thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế và quá trình triển khai trùng tu. Bên cạnh đó, Cục Di sản văn hóa cũng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo, hội nghị, mời nhiều giáo sư trong và ngoài nước đóng góp ý kiến về dự án tu bổ di tích.
Ông Thành cũng chia sẻ, toàn bộ thông tin dự án này đã được công khai tại địa phương, về cả nội dung triển khai, thiết kế, cho đến quá trình triển khai. Cục Di sản đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Nam và chuyên gia Nhật Bản trong quá trình lên phương án thiết kế cũng như triển khai thi công.
Dự kiến Chùa Cầu được khánh thành vào ngày 3/8, nhân sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản" lần thứ 20. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cho biết, dự án trùng tu Chùa Cầu vẫn cần nghiệm thu. Trước những ý kiến của du khách và người dân, Cục Di sản văn hóa đang đề nghị địa phương báo cáo cụ thể và trả lời một cách chính xác.
"Công trình vừa tu bổ phải có thời gian mới trả lại màu sắc cũ được"
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch CLB Di sản của UNESCO TP Hà Nội cho rằng, chưa có điều kiện để tiếp cận với công trình và hồ sơ tu bổ di tích. Thế nhưng ông tin qua thông tin trên phương tiện truyền thông, báo chí, qua trả lời của lãnh đạo Cục Di sản văn hóa và thấy rằng việc tu bổ cơ bản thực hiện theo đúng quy trình về tu bổ di tích.
"Đặc biệt, bản vẽ thiết kế thi công đã được Cục Di sản văn hoá thẩm định, đương nhiên chủ đầu tư có chỉ đạo triển khai theo đúng bản vẽ đã được thẩm định trước đó. Thứ 2, quá trình tu bổ di tích có một nguyên tắc quan trọng nhất đó là giữ lại tối đa các yếu tố gốc của di tích. Qua thông tin tôi thấy đã giữ được tối đa các yếu tố gốc. Quá trình tu bổ về tinh thần không có vấn đề gì lớn", ông Tiến chia sẻ.
Ông Tiến cũng cho hay, nhìn tổng quan hình ảnh Chùa Cầu cũ và mới tạo cho mọi người cảm giác màu sắc khác nhau. Tạo cho người nhìn thấy nước sơn vôi chưa phù hợp, không có nét cổ kính.
"Không biết hình ảnh Chùa Cầu cũ từ giai đoạn nào từ trước khi tu bổ hay giai đoạn trước đây nhưng dù sao chăng nữa vẫn tạo cho người xem cảm thấy màu sắc quá mới. Phải khẳng định bức tường màu đỏ chưa được, tường viền theo thanh cầu sáng quá. Cơ bản công trình vừa tu bổ nên phải có thời gian mới trả lại màu sắc cũ được. Giống như trùng tu biệt thự Pháp cổ ở phố Hàng Bài (Hà Nội) thời gian trước đó cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi màu sơn mới. Nhưng thực tế đó là nguyên bản và phải chờ thời gian màu mới trầm lại.
Tuy nhiên, ở Chùa Cầu những gì có thể sửa được màu sắc cần phải có giải pháp chỉnh lại màu cho phù hợp. Hai bức tường đi theo thân cầu và đầu cầu mới khác lắm nên tạo cho mọi người nhìn là cầu mới chứ không phải Chùa Cầu cổ. Cái này điều chỉnh lại được.
Tôi tin công trình được trùng tu phía chủ đầu tư và thành phố Hội An đã có những chỉ đạo theo đúng quy định của Cục Di sản văn hoá. Lãnh đạo TP Hội An cũng đã có những phản hồi tiếp thu ý kiến của dư luận. Chắc chắn TP Hội An sẽ tiếp thu những góp ý và có chỉnh sửa cho phù hợp. Hy vọng việc chỉnh sửa được tiến hành sớm để công trình phát huy giá trị ý nghĩa", ông Tiến chia sẻ thêm.
Post a Comment