“Giữ biển trời quê hương” – kể câu chuyện xúc động trong trận thắng cách đây 60 năm
"Giữ lấy đất trời của quê hương ta/ Giữ lấy những gì mà ta yêu quý" - những câu hát này được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác khi ông có mặt ở tuyến lửa Quảng Bình những ngày tháng 8 lịch sử năm 1964. Một bài thơ về liệt sĩ Đồng Quốc Bình hy sinh 60 năm trước cũng có chung tinh thần giữ biển giữ trời như vậy: "19 tuổi xanh, xả thân vì nước/ Tuổi thơ anh khao khát đêm ngày/ Làm con sóng dưới thân tàu Tổ quốc/ Làm người lính ngày đêm đứng gác/ Giữ yên bầu trời mặt biển quê hương".
Xuất phát từ quyết tâm giữ đất, giữ trời, giữ biển ngày ấy… ê-kíp sản xuất của Ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam đã lựa chọn chủ đề "Giữ biển trời quê hương" cho chương trình Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại bảo vệ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa (ngày 2 và 5/8/1964 – ngày 2 và 5/8/2024).
Chương trình sẽ kể những câu chuyện tiêu biểu cho sự mưu trí, sáng tạo và tinh thần anh dũng của quân và dân ta, trong đó có chiến thắng oanh liệt của bộ đội hải quân, bộ đội phòng không, dân quân tự vệ cách đây 60 năm. Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Ê-kíp thực hiện chương trình đã toả đi nhiều địa điểm như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Đà Nẵng, TP.HCM... để gặp gỡ các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử. 60 năm đã đi qua, nhưng trận đánh năm nào vẫn còn hiển hiện sinh động trong trí nhớ của nhiều nhân chứng.
Đó là khoảnh khắc đứng trước sinh tử, thuyền trưởng của Tàu phóng lôi T333 – Nguyễn Xuân Bột đã dũng cảm bứt tốc, tìm cách đánh đuổi tàu khu trục Maddox ra khỏi vùng biển miền Bắc vào ngày 2/8/1964.
Hay tinh thần chiến đấu vô song của xạ thủ Phạm Văn Năm (xạ thủ số 1, Đại đội 141, Tiểu đoàn 217, Quân chủng Phòng không - Không quân), người đạp cò khẩu súng máy phòng không 14,5mm, góp phần bắn rơi máy bay địch tại Hòn Gai, Quảng Ninh.
Cùng với đó là câu chuyện về những nữ dân quân tự vệ đã xả thân quên mình, lao vào nguy hiểm để chiến đấu, tiếp đạn, cứu chữa cho các chiến sĩ. Có thể kể đến các tấm gương của bà Tô Thị Đạo, Hoàng Thị Khuyên, Vũ Thị Tĩnh (tỉnh Thanh Hoá). Tình yêu của bà Vũ Thị Tĩnh và thuyền trưởng anh hùng Lê Văn Tiếu của trận đánh 5/8/1964 đã nảy nở trong hoàn cảnh đó.
Một trong những điểm nhấn của chương trình là phân tích khách quan từ chính những sử gia của Hoa Kỳ khi giải mã các tài liệu mật về "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ". Ê-kíp VTV đã thực hiện những cảnh quay hiếm có tại bảo tàng Turner Joy, thành phố Bremerton, tiểu bang Washington và phỏng vấn độc quyền chuyên gia sử học của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) Robert.J.Hanyok, tác giả của tác phẩm từng gây chấn động "Chồn hôi, quái vật, chó săn im lặng, cá bay: Bí ẩn Vịnh Bắc Bộ 2-4/8/1964".
Những tiết mục nghệ thuật giàu chất sử thi trong "Giữ biển trời quê hương"
Âm nhạc cũng là một điểm nhấn, kết nối những câu chuyện kể trong chương trình. Các ca khúc trình diễn đều được nhạc sĩ viết từ chính cảm xúc cháy bỏng của những ngày lịch sử năm 1964, có thể kể đến "Bám biển quê hương" (Phạm Tuyên), "Giặc đến nhà ta đánh" (Đỗ Nhuận)... Nhiều tiết mục dàn dựng theo lối sử thi, giúp khán giả hiểu thêm phần nào về trận chiến đấu ác liệt năm xưa.
Chương trình sẽ có sự tham gia của các ca sĩ: Lê Anh Dũng, Hoàng Viết Danh, Dương Trần Nghĩa, Hồng Duyên, Phương Anh, Lê Việt Anh, Khúc Xuân Đức, Cellist Lê Thị Nga.
Chương trình "Giữ biển trời quê hương" do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Quân chủng Hải quân và Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện, truyền hình trực tiếp lúc 20h10 ngày 03/8/2024 trên kênh VTV1.
Post a Comment