Vở kịch "Vang bóng một thời": Khi người tử tù Huấn Cao được tái hiện trên sân khấu
Vang bóng một thời do NSƯT Bùi Như Lai thực hiện, nhà văn Nguyễn Hiếu phóng tác thành kịch bản sân khấu từ chùm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân: Chém treo ngành, Những chiếc ấm đất, Chữ người tử tù. Nghệ sĩ trẻ Anh Tuấn đảm nhiệm vai diễn Huấn Cao.
Chia sẻ về việc ra mắt vở kịch Vang bóng một thời, nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Hiếu cho biết: "Theo thời gian, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân, đặc biệt là tiểu thuyết, truyện ngắn càng ngày càng thu hút được bạn đọc cũng như giới chuyên môn. Nguyên nhân là bởi sự ma mị, đa chiều, trong đó gửi gắm nhiều thông điệp về lẽ sống, cuộc đời. Trong nghệ thuật, ông có nhiều bút pháp xây dựng đặc trưng, điển hình trong việc dựng cảnh, tạo không khí, dựng nhân vật.
Hơn 20 năm trước, tiểu thuyết Chùa đàn của ông đã được chuyển thành kịch bản dưới tên gọi Tiếng đàn vùng mê thảo, vở kịch sau đó tạo ra tiếng vang lớn. Đây là lần thứ hai thứ hai những truyện ngắn của ông được lấy làm cảm tác viết kịch bản sân khấu".
So với truyện ngắn Chữ người tử tù, kịch bản sân khấu Vang bóng một thời có nhiều nét khác biệt. Bên cạnh việc kết hợp chất liệu của ba truyện ngắn Bữa rượu máu, Chiếc ấm đất và Chữ người tử tù, vở kịch còn thay đổi trong việc xây dựng tính cách của viên quản ngục: "Trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân, quản ngục là người phục, chịu tài Huấn Cao - gã tù nguy hiểm nhất có văn võ song toàn, có lối viết chữ rất đẹp vào loại hiếm trong làng nghiên bút. Cũng bởi vậy, người này ngày ngày sai thầy thư lại lại dâng rượu cho Huấn Cao để thu phục và để xin chữ. Trong kịch bản sân khấu thì khác, sau khi quản ngục biết tài của Huấn Cao, hắn dùng mệnh lênh và cả đòn roi để Huấn Cao bắt viết chữ, tuy vậy, ông kiên quyết từ chối với vẻ cao ngạo của kẻ sĩ.
Bị xã hội và gia đình lên án về việc tra tấn một tài năng, viên quản ngục mới dần dần sửa đổi. Vở kịch cũng thể hiện sự giằng xé nội tâm của quản ngục giữa chức phận của kẻ trọng người hiền và bổn phận của kẻ cầm quyền chốn ngục thất" - tác giả kịch bản Nguyễn Hiếu chia sẻ.
Vở kịch Vang bóng một thời nhắn nhủ thông điệp sống trên đời cần có thiên lương, lòng nhân ái, sự độ lượng và nhân hoà, biết coi trọng tài năng và cái đẹp. Đó cũng chính là sức mạnh giúp con người vượt qua trở ngại và gian khó.
Sau đêm công diễn vào ngày 1/3, Vang bóng một thời được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao. Nhà phê bình Nguyễn Thế Khoa, Tạp chí Văn hiến đánh giá vở kịch Vang bóng một thời là kiệt tác từ một kiệt tác. Trong khi đó, Thạc sĩ Phạm Ngọc Anh, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu khẳng định: "Lần đầu tiên tôi được xem một vở kịch chỉ có nói mà hay đến vậy".
Bài viết Vở kịch "Vang bóng một thời": Khi người tử tù Huấn Cao được tái hiện trên sân khấu được chúng tôi tổng hợp nguồn trên Internet. Hãy để lại ý kiến của bạn sau bài viết này
Post a Comment