Kể chuyện làng: Ngọt ngào mùi của Tết xưa
Tây Bắc những ngày cuối năm tiết trời thật lạnh. Cái lạnh của mùa đông nơi đây luôn khắc nghiệt bởi kèm theo những cơn gió rít luồn lách qua từng nụ đào, nương ngô, bãi mía là những đợt sương muối gây tê cóng hết mười đầu ngón tay ngón chân của bọn trẻ lớp tôi chủ nhiệm. Bất giác, mùi mật mía ở những lò nấu đường của bà con được làn gió xộc vào mũi khiến con đường đi làm của cô giáo vùng cao như tôi cảm thấy ấm lòng.
Tranh thủ hít hà cái mùi ngọt ngào, tan chảy trong sương sớm của những giọt mật vàng óng ả trong tưởng tượng như khiến tôi càng thêm yêu mảnh đất còn biết bao khó khăn vất vả của bà con dân tộc trên quê hương mình. Nơi ấy, tôi có 44 đứa "con tinh thần" làm bầu bạn mỗi khi bước vào lớp chủ nhiệm. Nơi ấy mùa xuân đang về, nhìn mặt bọn trẻ háo hức tranh nhau kể cho cô giáo nghe "Tết ở nhà em, Tết ở bản chúng em vui lắm cô ơi" khiến tôi như nhìn thấy chính mình trong sự háo hức của bọn trẻ hơn 20 năm về trước. Sự vô tư ngộ nghĩnh cùng những nét đáng yêu của học trò khiến tôi như thêm yêu kí ức, trân trọng những ưu ái của hiện tại…
Ngày ấy, nhà tôi còn nghèo, mẹ một mình ở nhà lo toan con cái để bố tôi yên tâm đi học lớp trung cấp thương nghiệp. Kí ức của một đứa trẻ vừa đặt chân lên cấp 2 như học sinh của tôi bây giờ vẫn còn in đậm. Hình ảnh sáng sáng mẹ tôi dậy thật sớm thổi cơm độn chút sắn, ngô để các con ăn chắc dạ còn đến trường kẻo muộn giờ học cũng như giờ làm của mẹ. Tôi với chị cả biết thân biết phận nhà còn thiếu thốn yên chí ngồi ăn cơm rưới chút mắm mặn chườm. Riêng thằng út vì được mẹ chiều hơn chút. Khi đó nó mới học lớp 2 mặt phụng phịu:
- Con không thích cơm sắn đâu. Con thích ăn cơm trứng cơ.
Vừa nói nó vừa rơm rớm nước mắt. Mẹ tôi khi ấy còn biết bao việc, nào cho lợn ăn vì chúng cũng đói bụng đang kêu ầm trong chuồng. Nào ra sau nhà vãi cho mấy con gà ít ngô mẹ trồng được chẳng có hơi sức đâu mà để ý mấy câu nũng nịu của nó. Chị cả liền dỗ dành:
- Gà đã đẻ đâu mà có trứng. Út cố ăn hôm nay với mắm. Mai gà của mẹ nó đẻ trứng chị hấp cơm cho mà ăn. Ăn nhanh lên đến trường với chị. Tí muộn cô giáo phạt đấy.
Có vẻ, lúc nào chị cả cũng biết cách trấn an thằng út. Nghe lời chị nó luôn răm rắp nghe, ăn vội ăn vàng rồi chạy vào xách cái túi vải lành lặn nhất trong 3 chị em, theo hai chị đi học. Nghĩ lại tuổi thơ của 3 chị em ngày ấy, tuy vất vả thiếu trước hụt sau nhưng khóe mắt ai cũng ánh lên niềm tự hào.
Tuổi thơ chúng tôi còn gắn liền với những cái Tết đầy háo hức. Tết về là chúng tôi tha hồ được ăn bánh kẹo hay mứt mà không lo phải chia phần như ngày thường mỗi khi bố được nghỉ phép dưới trường về mang theo quà Hà Nội nào bánh mì, nào kẹo gôm dẻo thơm ngọt lịm. Tết của mấy chị em vừa có quần áo mới diện 3 ngày không muốn cởi để mẹ đem giặt sợ trời mưa sẽ không khô. Tết là được nhận tiền lì xì mỗi khi có bác hàng xóm nào đó đến nhà chúc mừng năm mới.
Tết là canh bố để còn đi theo tới nhà họ hàng hay những người thân quen vừa chúc Tết vừa mong nhận được tiền mừng tuổi. Để rồi, tối về là mấy chị em lại đem tiền ra đếm xem ngày hôm nay mình "thu nhập" được bao nhiêu. Tết của mẹ là hương thơm nồng nàn của nồi nước cây mùi già thơm ngát được mẹ đun sôi sùng sục trên bếp than rực hồng mà mỗi chiều 30 mẹ múc từng gáo nước mùi thơm ấy hòa vào nước cho cả nhà tắm với mong muốn thanh tẩy hết những điều xui rủi, đón chờ những điều tốt đẹp của năm mới. Chẳng vậy mà các cụ ta có câu: "Gừng càng già càng cay", vậy thì "Mùi càng già càng nồng" thật chẳng sai bao giờ.
Và rồi tối mùng 3 Tết, đứa nào đứa nấy sau niềm vui đếm tiền lì xì sẽ là gương mặt của sự tiếc nuối: "Sao Tết hết nhanh vậy?" Khi đó bố tôi cười khà khà: "Còn mùng, còn bánh chưng là còn Tết". Tết qua đi nhanh chóng trong sự tiếc nuối của 3 chị em. Nhưng thực hiện theo lời bố chúng tôi cố để dành những hộp mứt có đủ vị như: Mứt dừa, mứt bí, mứt sen, mứt gừng đầy màu sắc rồi cả những hạt trứng chim cắn vào vừa ngọt của đường, bùi của lạc cất thật kĩ chỉ đem ra ngắm mỗi khi thấy thèm để đến khi nào nhà hết bánh kẹo hay bánh chưng Tết mới đem ra ăn.
Và rồi, năm nào cũng vậy nếu cố gắng để lâu lâu một chút là y rằng khi mang ra ăn mứt đã bị chảy nước. Mẹ tôi luôn mắng vốn: "Sao mấy đứa cất kĩ thế? Chảy nước vậy sao ăn được các con ?". Còn mấy chị em tôi, nhìn hộp mứt chảy nước vừa tiếc và cố tìm miêng nào còn lành lặn là ăn một cách chậm dãi như để cảm nhận cái "mùi Tết" ngọt ngào, thân thương mỗi năm chỉ có 3 ngày ấy…
"Chúng con chúc cô một năm mới hạnh phúc, thành công...". Lời bọn trẻ như kéo tôi trở về thực tại. Buổi học cuối cùng của cô trò trước khi nghỉ Tết Nhâm Dần tôi dành luôn cả tiết học cho các con thỏa sức kể chuyện: "Ngày Tết nhà em". Phần lớn học sinh của tôi đều thuộc gia đình làm nông nghiệp lên Tết đến xuân về với chúng cũng đơn sơ mộc mạc như Tết của mấy chị em tôi ngày thơ bé. Để tạo niềm hứng khởi cho các con sau kì nghỉ Tết, cùng với lời chúc Tết gửi tới 44 học trò tôi còn dành tặng bọn trẻ một bài tập đặc biệt: "Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ kể về ngày Tết ở gia đình hoặc bản làng em".
Tôi chỉ có một mong ước nho nhỏ, qua bài tập về nhà ấy các em thêm yêu hơn Tết cổ truyền của dân tộc. Biết trân trọng và lưu truyền những bản sắc của chính nền văn hóa của dân tộc các em hòa chung với nền văn hóa lâu đời của người Việt. Đồng thời để tạo sự hứng khởi cho các học sinh tôi còn kèm theo lời hứa hẹn: "Bài bạn nào viết hay cô sẽ lì xì thêm điểm đầu năm mới".
Nhìn ra ngoài trời, nàng xuân như đang vẫy gọi, thôi thúc trên những lộc non mới nhú của hoa đào phai Tây Bắc. Sự tinh khôi trắng muốt của những bông mận bông mơ, điểm xuyến cả màu trắng của hoa ban nở sớm. Nàng xuân còn dập dềnh chơi trốn tìm cũng cụ già mùa đông hay những màn sương mỏng manh giăng nhẹ trên khoảng sân trường cùng tiếng nói cười nô đùa của các cô bé cậu bé học trò. "Mùi Tết" đang len lỏi khắp không gian với bào thứ mùi thơm hòa quyện vào nhau tạo một hương vị xuân thật đặc biệt. Tết đang gần kề, Tết của tình thân và sự đoàn viên ấm áp. Tết của thực tại chính là một phần Tết của tuổi thơ tôi ngày xưa ấy.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Post a Comment