Header Ads

"Cha đẻ" của phim Bão ngầm đang gây sốt màn ảnh VTV: Tôi dám nói thật, dám kể hết!

Bão ngầm đang gây bão màn ảnh Việt: Người chiến sỹ Công an không phải cỗ máy - Ảnh 1.

Nhà văn Đào Trung Hiếu trong cuộc khảo sát bối cảnh phim Bão ngầm tại Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào tháng 6/2019. Ảnh: NVCC

Dám nói thật, kể hết trong Bão ngầm

Trước hết, chúc mừng ông và đoàn làm phim Bão ngầm khi bộ phim đã bước đầu thu hút được sự chú ý của khán giả. Trên mạng xã hội, đã có nhiều nhận xét về hình ảnh "đời hơn", thực hơn của người chiến sỹ Công an Nhân dân trong Bão ngầm. Có phải, ông đã đề cao tính hiện thực đồng thời mô tả đa chiều cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự, cũng như hình ảnh người chiến sỹ Công an trong tác phẩm Bão ngầm?

Nhà văn - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu: Trong tiểu thuyết và kịch bản phim Bão ngầm, tôi đã kể về tính khốc liệt của cuộc chiến diễn ra ở cả 3 địa hạt: đấu tranh bài trừ tội phạm, đấu tranh làm trong sạch nội bộ, đấu tranh trong tư tưởng, nội tâm người lính để giữ gìn sự liêm chính.

Trong 3 cuộc chiến này, tôi lấy xung đột với tội phạm để tạo môi trường, chất dung môi, làm cái cớ để kể về 2 cuộc xung đột còn lại, diễn ra trong nội bộ và ở nội tâm. Chủ đề tác phẩm của tôi nhấn mạnh về sự khốc liệt của 2 cuộc chiến phái sinh từ cuộc đấu tranh bài trừ tội phạm. Tựa đề Bão ngầm với hàm ý kể về những cơn bão không nhìn thấy bằng mắt thường.

Đó không phải là sự tìm tòi phá cách hay sáng tạo cao siêu gì, mà đơn giản là phản ánh đúng hiện thực. Chỉ là tôi dám nói thật, kể hết!

Với bản lĩnh của người lính trinh sát đã từng thực hiện những nhiệm vụ bí mật trong hang ổ tội phạm, từng nhiều lần đối diện với sống chết trong các chuyên án trinh sát, từng "ăn đòn" bởi những cú đánh "dưới thắt lưng", từng chênh chao khi đứng trước sự lựa chọn trung thành hay phản bội…tôi hồn nhiên kể lại những thứ vốn dĩ tồn tại trong cuộc sống, chiến đấu của mình và đồng đội.

Nhân vật của tôi - nữ trinh sát (tên Vũ Hạ Lam trong phim) với sứ mệnh tiếp cận gia đình một doanh nhân thành đạt, để tìm ra sự liên hệ của họ với đường dây ma túy xuyên quốc gia, do không làm chủ được những rung động trái tim và viễn cảnh sang giàu, đã đem lòng yêu thương bác sĩ Hùng – người em của tên trùm tội phạm.

Cuộc đấu tranh tư tưởng, giằng xé trong nội tâm người trinh sát, đan xen với cuộc chiến tranh giành địa vị chức tước tại đơn vị, trong bối cảnh chuyển giao thế hệ lãnh đạo. 

Thượng tá Tuất, một người hãnh tiến, thủ đoạn, vì muốn vươn tới chức vụ cao hơn, đã không từ những thủ đoạn ti tiện để cản trở đồng đội trong hành trình phá án. Thậm chí, còn bắt tay với tội phạm, cung cấp những thông tin cơ mật vì vụ lợi. Kết thúc câu chuyện, kẻ suy thoái bị đào thải, người lính sau lúc chênh chao trở về quỹ đạo thiện lương. 

Nhưng chuyện không kết thúc có hậu tuyệt đối. Trong trận đánh cuối cùng, những cán bộ liêm chính, tận tâm trước nhiệm vụ đã hy sinh anh dũng. Người trở về sau sai lầm rồi cũng rời khỏi hàng ngũ để giữ lại mầm sống cuối cùng của dòng họ có tên tội phạm. 

Vậy là, hình tượng người chiến sĩ CAND trong các sáng tác văn học, nghệ thuật ở nước ta đã có những cải tiến, cách tân, thưa Nhà văn?

Nhà văn - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu: Sau hơn 70 năm, dòng văn học, nghệ thuật về đề tài An ninh, trật tự và hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân (gọi tắt là văn học về đề tài Công an) đã có những sáng tác mê hoặc lòng người, phản ánh chân thực cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm, khắc họa và tôn vinh hình ảnh ngoan cường, anh dũng của các chiến sĩ Công an.

Sự sát lại bên nhau giữa văn chương, nghệ thuật bay bổng và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống dường như rất khô khan, xơ cứng, lại cho ra một mối lương duyên kỳ thú. Thông qua những sáng tác giàu sức lay động lòng người, dòng văn học này đã góp phần quan trọng để công tác Công an gần người dân hơn. 

Giá trị thẩm mỹ từ hình tượng dũng cảm, mưu lược và nhân văn, gần gũi và chân thật…của người chiến sĩ Công an khi được lan tỏa vào xã hội thông qua công cụ văn chương, có một tác dụng thiết thực, trở thành động lực thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Mảng văn chương, nghệ thuật về đề tài Công an trong giai đoạn trước đây, do điều kiện của lịch sử - xã hội khi đất nước có chiến tranh và thời kỳ hậu chiến, với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu tuyên truyền hay quan điểm sáng tác, nhận thức của nhà văn; ý thức xã hội, trình độ thẩm mỹ văn chương của quảng đại quần chúng… nên có một đặc điểm rất dễ nhận thấy, đó là các tác phẩm viết về Công an thường theo mô hình sử thi truyền thống, mang tính "một chiều" đơn giản hóa. 

Sáng tác trong thời kỳ này chủ yếu là kể lại những cuộc tấn công tội phạm, mô tả hành động quả cảm, anh hùng, mưu lược của người chiến sĩ Công an, ngợi ca chiến công hay sự hy sinh dũng cảm của họ, chứ chưa đề cập nhiều đến những câu chuyện bên lề sự kiện, phía sau vụ án. 

Mô típ phổ biến trong sáng tác phổ biến, đó là "ta thắng địch thua", "thiện thắng ác thua"… trong khi hiện thực cuộc chiến đấu này không "màu hồng" như thế. Có một thực tế đó là sự thiếu vắng hay chưa được phản ánh sâu kỹ, với nhiều chiều cạnh khác nhau những vấn đề, sự kiện bên lề vụ án, như sự đấu tranh tâm lý nội tâm nhân vật, cuộc chiến thiện ác trong từng con người, từng nội bộ cơ quan đơn vị…Trong khi, đây lại là thứ hấp dẫn người đọc.

So với văn học, nghệ thuật về đề tài Công an giai đoạn trước thì các sáng tác sau này đã có sự vận động, thay đổi đáng kể. Đáng mừng là sự xuất hiện của những cá tính, những phong cách nghệ thuật mới lạ được độc giả đón nhận. 

Người cầm bút hôm nay đã ý thức được đòi hỏi của xã hội đương đại và có sự thay đổi trong nhận thức, quan điểm sáng tác. Biên độ tự do trong hoạt động sáng tạo đã rộng lớn hơn nhiều so với trước, chứ không đơn giản, thống nhất như trước đây. Tính đa dạng, phong phú và phân lập là điều có thể nhận diện. 

Theo chúng tôi, hiện sáng tác văn học, nghệ thuật về chủ đề Công an đang đi theo 3 khuynh hướng. 

Một là, theo mô típ truyền thống, bằng cảm hứng ngợi ca, lấy nhân vật chiến sĩ Công an là trung tâm trong sáng tác, mô tả đậm nét hành vi anh hùng, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự xã hội. 

Hai là, các sáng tác theo khuynh hướng lấy nhân vật trung tâm là con người nạn nhân của tội phạm, hoặc là miêu tả chính số phận của những tên tội phạm bằng cảm hứng bi kịch, hoặc cái nhìn nhân tính. 

Ba là, khuynh hướng, mượn cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm, để suy ngẫm hoặc triết lí về thế sự, nhân sinh. 

Bão ngầm đang gây bão màn ảnh Việt: Người chiến sỹ Công an không phải cỗ máy - Ảnh 3.

Nhà văn Đào Trung Hiếu (bên trái ảnh) trong cuộc khảo sát bối cảnh phim Bão ngầm cùng đoàn làm phim tại Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 6/2019. Ảnh: NVCC

Mặc dù đi theo các xu hướng khác nhau, nhưng điểm chung có thể thấy đó là chủ thể được mô tả (người chiến sĩ Công an) hiện lên trong các sáng tác văn học, nghệ thuật gần đây, không còn là những "cỗ máy pháp luật", chỉ biết có công việc, khô khan và xơ cứng, mà đã được miêu tả đúng là những con người, với đầy đủ các phẩm chất tâm lý cá nhân tích cực và tiêu cực. 

Vì sao có những thay đổi, cách tân này, thưa ông?

Nhà văn - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu: Trong kỷ nguyên thông tin như hiện nay, con người có điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin đa chiều. Điều này tác động đến văn học nói chung và văn học về đề tài Công an nói riêng. Thực tại xã hội, với những vấn đề diễn ra hằng ngày, tràn ngập trên các xa lộ thông tin chính thống và phi chính thống như mạng xã hội, khiến độc giả không còn dễ tin vào những thứ họ đọc được.

Đối với văn học, nghệ thuật nói chung, do trình độ thẩm mỹ nghệ thuật trong xã hội được nâng lên cùng mặt bằng dân trí; do quan điểm đa chiều, xu thế dân chủ xã hội, quyền tự do cá nhân - cái tôi được đề cao, nên việc tiếp cận văn chương của độc giả đã và đang có những thay đổi mà người cầm bút không thể không biết, nếu muốn sáng tác của mình được đón nhận.

Chúng tôi cho rằng, độc giả ngày nay sẽ rất cảnh giác, thậm chí là quay lưng, không mất thời gian cho việc đọc những thứ "văn chương minh họa", với những thứ "lên gân, lên cốt", hay "son phấn" cẩu thả chát chít trong những câu chuyện rặt "màu hồng" đậm chất tuyên truyền một chiều, hay thứ văn nhàn nhạt do sợ đụng chạm, bảo toàn né tránh để giữ mình. 

Đơn giản là vì thực tại xã hội không thế. Còn rất nhiều thứ đang diễn ra, mà nhà văn, người sáng tác nghệ thuật với tư cách "thư ký của thời đại" phải chuyển tải vào trong sáng tác của mình.

Bão ngầm đang gây bão màn ảnh Việt: Người chiến sỹ Công an không phải cỗ máy - Ảnh 4.

Nhà văn Đào Trung Hiếu chỉ đạo diễn xuất tại hiện trường, đại cảnh khám xét vũ trường. Ảnh: NVCC

Người lính không phải là cái máy

Và thay đổi này đã được áp dụng ngay đối với các nhân vật trong Bão ngầm, thưa ông?

Nhà văn - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu: Là người lính đi ra từ thực tiễn cuộc chiến đấu bài trừ tội phạm ma tuý, tội phạm hình sự trong gần 20 năm, chúng tôi hiểu rõ có hàng loạt vấn đề xã hội đương đại đang đêm ngày tác động lên tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, nhận thức, hành động của người chiến sĩ. 

Người lính, dù mang trên người trọng trách gì, thì trước tiên, họ vẫn là con người bình thường, với đầy đủ các sắc thái, đặc điểm tâm lý cá nhân như nhu cầu, hứng thú, định hướng giá trị, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, động cơ, mục đích sống…của con người. 

Xin nhắc lại, họ không phải là cái máy, nên việc mỗi cá nhân người lính chịu những tác động tích cực, cũng như tiêu cực từ môi trường là điều đương nhiên và dễ hiểu. Việc cá nhân người lính bởi những tác động xấu từ môi trường, hình thành nên phẩm chất tâm lý tiêu cực bên trong, dẫn đến việc không vượt qua được thử thách, bị cám dỗ để rồi sa ngã, không còn là chuyện hiếm gặp.

Vượt lên cám dỗ, khó khăn, trở ngại, thử thách hy sinh…để làm việc công, bảo vệ người dân, bảo vệ xã hội một cách vô tư, trong sáng, là chuyện dễ nói khó làm. 

Đó là kết quả của những quá trình tâm lý bên trong – những va đập, dằn vặt, giằng xé trong tư tưởng người lính khi đứng trước sự lựa chọn – phụng công hay tư lợi, trung thực hay giả dối…Tất cả, là những thực tế trong cuộc chiến đấu này. 

Vì thế, miêu tả họ là chủ thể của cuộc đấu tranh, mà lại thiếu vắng đi những yếu tố quan trọng tạo nên động lực lập công, hay là nguồn cơn của sự sa ngã, sẽ khó thuyết phục được độc giả.

Văn chương phải bám sát, miêu tả sinh động cuộc chiến này chứ? Né tránh nó chỉ làm tác phẩm nghèo nàn, không thuyết phục được ai. Tính hiện thực bao giờ cũng là nguồn cơn của sức sống cho văn chương, nghệ thuật. Mặt khác, hiện thực được miêu tả qua bút pháp văn chương sẽ sống động, tạo ra những cá tính văn học, đủ sức hấp dẫn bạn đọc trong tình hình văn hóa đọc đi xuống.

Khi viết tiểu thuyết Bão ngầm vào năm 2015, rồi trực tiếp chuyển thể thành kịch bản phim hình sự cùng tên, tôi đã sử dụng và trung thành bút pháp hiện thực, mô tả không né tránh những vấn đề nảy sinh trong lòng cuộc chiến phòng chống tội phạm hôm nay. 

Đó là những thứ mà một trinh sát như tôi đã trải, đã thấy, đã cảm trong hiện thực đời sống ở lĩnh vực khu biệt này.

Bão ngầm đang gây bão màn ảnh Việt: Người chiến sỹ Công an không phải cỗ máy - Ảnh 6.

Một cảnh trong phim Bão ngầm được quay trên sông nước. Ảnh: NVCC

Phim Bão ngầm được quay ở nhiều miền quê Việt Nam và hứa hẹn có những đại cảnh làm mãn nhãn người xem. Vừa là tác giả kịch bản và Phó Đạo diễn bộ phim, ông có gặp khó khăn khi thuyết phục đoàn làm phim lựa chọn bối cảnh?

Nhà văn - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu: Bộ phim Bão ngầm được chúng tôi quay trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ Bắc vào Nam. Bối cảnh phim bao gồm những danh lam, thắng cảnh tại các địa phương nơi đoàn làm phim tác nghiệp. 

Với vai trò Phó đạo diễn, tôi trực tiếp cùng ê kíp sáng tạo đi đến các tỉnh lựa chọn bối cảnh quay. Ở miền Bắc, bối cảnh chính chúng tôi lựa chọn là tỉnh Yên Bái. Bộ phim có khoảng 60% dung lượng cảnh quay thực hiện tại tỉnh này, vì các lý do như sau: trước hết tỉnh Yên Bái có rất nhiều thắng cảnh đẹp, hùng vĩ, nên thơ, phù hợp với đời sống trong truyện phim. 

Thứ 2, nơi đó chính là địa bàn mà tôi đã từng có nhiều năm tháng đặt dấu chân mình trong hành trình điều tra, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm tội phạm về ma tuý. Chất liệu để tôi sáng tác tiểu thuyết cũng như kịch bản phim, có được chính trong thời gian tôi làm lính trinh sát phòng chống ma túy ở tỉnh này. 

Bão ngầm đang gây bão màn ảnh Việt: Người chiến sỹ Công an không phải cỗ máy - Ảnh 7.

Nhà văn - Tiễn sỹ Đào Trung Hiếu chụp ảnh kỷ niệm cùng các Chiến sỹ Cảnh sát cơ động. Ảnh: NVCC

Vì có vai trò khá "đặc biệt", ôm đồm nhiều vai trò trong đoàn phim, nên tôi đã thuyết phục nhà đầu tư cho mang phim ra quay tại Yên Bái, một phần để giúp địa phương thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch, khi những hình ảnh tuyệt đẹp về miền đất này được lên sóng truyền hình cả nước.

Ngoài Yên Bái thì Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ… cũng đã vào ống kính đoàn phim. Những cảnh quan kỳ thú được chúng tôi khai thác rất đậm để quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước tại nhiều vùng miền.

Ở phía Nam, phim quay đến tận miệt vườn sông nước Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… Đặc biệt tại Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tại các cảnh quan hùng vĩ, đoàn phim đã thực hiện nhiều đại cảnh hoành tráng, tái hiện những trận đánh lớn của ngành Công an vào hang ổ tội phạm.

Bão ngầm đang gây bão màn ảnh Việt: Người chiến sỹ Công an không phải cỗ máy - Ảnh 8.

Hậu trường phim Bão ngầm. Ảnh: NVCC

Dàn diễn viên trong Bão ngầm vừa "cũ" vừa "mới" đối với khán giả, từ người có kinh nghiệm tới người mới vào nghề. Là tác giả tiểu thuyết và kịch bản, ông có chọn diễn viên theo kiểu "đo ni đóng giày"?

Nhà văn - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu: Đạo diễn Đinh Thái Thuỵ, nhà sản xuất Đoàn Nam Phương và tôi trực tiếp tuyển chọn các diễn viên chính, thứ chính, quần chúng tham gia diễn xuất trong phim. Phim Bão ngầm với số lượng vai diễn có tên rất hùng hậu, với nhiều tuyến nhân vật rất phức tạp. 

Chẳng hạn như giang hồ, tội phạm cũng có dăm bẩy loại, từ những kẻ đầu đường xó chợ, lưu manh cỏ… đến những tên cổ cồn trắng, núp bóng doanh nhân. Do đó, chúng tôi rất dụng công tuyển cả 3 miền Bắc, Trung, Nam những diễn viên thích hợp với vai diễn. 

Tiêu chí duy nhất để chọn diễn viên là ngoại hình, khả năng diễn xuất, biểu cảm… phải phù hợp với vai diễn. Khi chọn được người, cá nhân tôi với tư cách là "cha đẻ" của câu chuyện, có làm việc với các diễn viên về phong cách, biểu hiện, cách diễn xuất…sao cho "ra" được nhân vật mà tôi xây dựng trong kịch bản. 

Ví như diễn viên Hà Việt Dũng đóng vai trinh sát ngầm Đào Hải Triều, tôi đã làm việc rất kỹ với Dũng, nói để anh ấy hiểu rằng trinh sát phải giống tội phạm hơn cả tội phạm thì mới bắt được chúng. Kết quả là Dũng đã nhập vai rất đạt, với biểu hiện rất…du côn, bụi bặm.

Cảm ơn Nhà văn - Tiến sỹ đã dành thời gian cho độc giả của Dân Việt!

Nhà văn - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu: Tôi xin nhấn mạnh rằng việc tôn trọng hiện thực và dũng cảm phản ánh hiện thực với một động cơ xây dựng, là trách nhiệm của người cầm bút khi viết về đề tài Công an. Ý thức xã hội thông thoáng, cởi mở như hiện nay, môi trường sáng tác tự do, việc tiếp cận các thông tin, tài liệu đơn giản hơn trong kỷ nguyên thông tin...đang tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhà văn tiếp cận công tác Công an, phản ánh sinh động trên tinh thần xây dựng cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm trên tất cả các khía cạnh.

Đấu tranh với tội phạm, đấu tranh nội tâm, đấu tranh làm trong sạch tổ chức, lực lượng…Chỉ khi tôn trọng hiện thực, bằng cái nhìn, lăng kính hiện thực trong sáng tác, mạnh dạn chuyển tải vào văn chương các vấn đề đương đại xuất hiện trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, mới làm nên sức sống cho các tác phẩm viết về chủ đề Công an hiện nay.

Bài viết "Cha đẻ" của phim Bão ngầm đang gây sốt màn ảnh VTV: Tôi dám nói thật, dám kể hết! được chúng tôi tổng hợp nguồn trên Internet. Hãy để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

No comments

Powered by Blogger.
Wordpress Beginner Online